Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Bánh tôm thịt heo

Món bánh đơn giản này bạn làm để ăn sáng hoặc ăn nhẹ lúc chiều đều rất thích hợp.

 Nguyên Liệu:
  • Tôm 200gr
  • Thịt heo 200gr
  • Trứng gà 1 quả
  • Dưa chuột 1 quả
  • Bột mì 200gr
  • Muối, nước
Cách làm:
1. Thịt heo xay nhỏ. Tôm rửa sạch bóc vỏ, bỏ chỉ đen, băm nhỏ.
2. Cho tôm và thịt vào bát, đậy nilong, cho vào lò vi sóng nấu trong 2 phút để thịt chín sơ, khi rán không mất nhiều thời gian.
3. Đập trứng vào bát thịt. Dưa chuột bỏ ruốt, thái chỉ đoạn ngắn.
4. Cho dưa chuột và bột mì vào bát thịt. Cho muối vừa đủ.
5. Trộn đều. Nếu thấy bột đặc quá thì cho thêm một chút nước.
6. Đặt chảo lên bếp, đun nóng dầu, múc bột vào rán bánh chín vàng đều 2 mặt. Khi ăn xắt miếng, ăn nóng.
Chúc bạn ngon miệng ^^!
Theo xinhxinh

Chọn mua nồi áp suất

Nồi áp suất giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian trong việc nấu nướng.
Nồi áp suất còn giúp bảo quản chất dinh dưỡng có trong thức ăn mà những phương pháp nấu bình thường không thể thực hiện được.
Để lựa chọn nồi áp suất, bạn cần chú ý đến kích cỡ, chức năng và một số đặc điểm khác như bộ điều chỉnh nhiệt, van áp suất, các phụ kiện kèm theo… Dưới đây là một số gợi ý cho bạn.
1. Kích cỡ
Khi lựa chọn kích cỡ của nồi, cần quan tâm đến số lượng khẩu phần mà bạn sẽ nấu. Những món ăn phù hợp với nồi áp suất như súp, gạo hay đậu có thể làm cho nhiều người ăn hoặc làm với số lượng nhiều để đông lạnh và dùng dần.
Một đặc điểm nữa cần phải lưu ý là chỉ được phép nấu thức ăn với dung lượng không quá 2/3 nồi. Đối với những thực phẩm nổi nhiều bọt trong khi nấu như đậu… thì dung lượng được phép chỉ ½ nồi.
2. Kết cấu và chất liệu
Chất liệu của nồi áp suất cũng là một vấn đề quan trọng. Nhôm có trọng lượng nhẹ nhưng thép không gỉ lại có độ bền cao hơn. Nồi làm bằng thép không gỉ có phần đáy dày nên được ưa thích hơn so với những vỏ nồi làm bằng nhôm hay đồng - những chất liệu có khả năng dẫn và giữ nhiệt tốt.
Bạn phải chú ý đến tay cầm, nắp và khóa nắp nồi. Tay cầm và nắp nồi phải được gắn chắc chắn vào thân nồi. Với những loại nồi có kích cỡ từ 6 lít trở lên, cần chọn loại có hai tay cầm để nhấc nồi dễ dàng và an toàn hơn khi nồi đang nóng và đầy thức ăn.
Nên chọn loại nồi có thiết kế khóa nắp nhằm tránh việc nắp nồi bị bật mở khi bạn đang giảm áp suất của nồi. Đây là yêu cầu kỹ thuật khá phổ biến trong các loại nồi áp suất hiện đại.
3. Bộ phận điều chỉnh áp suất
Bộ phận điều chỉnh áp suất có công dụng hiển thị chính xác mức áp suất của nồi trong khi đang nấu. Thông thường, bộ phận này luôn hoạt động ổn định và được phân thành các loại van sau:
Van nhảy:  Van này thường được dùng cho những chiếc nồi có chế độ áp suất trung bình và cao. Van sẽ dịch chuyển đến một mức nhất định khi nồi có mức áp suất thấp và tiếp tục nhảy lên một mức mới khi đạt mức áp suất cao. Để báo hiệu sự thay đổi giữa hai mức áp suất, người ta thường thiết kế một đường kẻ hoặc đánh dấu bằng những màu sắc khác nhau ở mặt đồng hồ hiển thị mức áp suất trên nồi.
Van quả tạ (hay còn gọi là van quả lắc): Bộ phận điều chỉnh áp suất này có hình dạng giống quả lắc nhỏ, được thiết kế nằm trên lỗ thoát hơi và sẽ bắt đầu đong đưa khi áp suất đạt đến mức được cài đặt sẵn trước đó. Ưu điểm của loại van này là có thể nhìn và nghe được tiếng van kêu khi áp suất đạt mức cần thiết, rất tiện lợi trong trường hợp bạn không thể liên tục trông chừng nồi đang nấu. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là dễ bị tắc nghẽn do thức ăn tràn vào qua lỗ thông hơi. Do đó, trước khi nấu, bạn cần kiểm tra và vệ sinh van thật kỹ.
Van quả tạ kiểu mới: Loại van này được gắn vào lỗ thông hơi nhưng thay vì đong đưa như bình thường, chúng sẽ phun ra hơi nước từng hồi để duy trì mức áp suất ổn định trong nồi. Lúc hơi nước bắt đầu đẩy ra ngoài là thời điểm mức áp suất đã đạt yêu cầu.

Theo Phụ Nữ

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Bò hầm tăng năng lượng cho ngày lạnh

Đây là món ăn vừa vặn, đậm đà và nhiều dinh dưỡng cho bữa cơm ngày đông.
Nguyên liệu:
  • Thịt bò 500gr
  • Quế, hồi 30gr
  • Khoai tây 1 củ to
  • Cà rốt 2 củ
  • Ớt tươi, gừng
  • Tỏi tây 1 cây
  • Gia vị: muối, bột ngọt, xì dầu, đường, rượu vang

Cách làm:
1. Thịt bò rửa sạch, thái miếng vuông to,luộc qua, bỏ nước bẩn, rửa sạch lại.
2. Khoai tây, cà rốt gọt vỏ, thái miếng vuông. Gừng, ớt rửa sạch thái lát. Tỏi tây rửa sạch cắt khúc khoảng 10cm.
3. Cho chút đường vào chảo, đun đến khi đường chuyển mầu cánh gián thì cho thịt bò vào đảo.
4. Nêm các loại gia vị, cho thêm 1 muỗng canh xì dầu, nước mắm, 1 muỗng canh rượu vang. Cho tiếp gừng, ớt và tỏi tây. Om nhỏ lửa để thịt ngấm gia vị và có mầu đẹp.
5. Thêm cà rốt và khoai tây, đảo đều, hầm săm sắp nước.
6. Thịt và khoai mềm, nêm lại gia vị cho vừa vặn.

Đây là món ăn vừa vặn, đậm đà và nhiều dinh dưỡng cho bữa cơm ngày đông.
Theo Xinhxinh

Bò lúc lắc

Món ăn quen thuộc với người nhiều người chúng ta hiện nay, và hoàn toàn có thể tự làm rất ngon!

Nguyên liệu:

Khoảng 500g thịt bò mềm cắt vuông cờ
2 củ hành tây trắng cắt vuông cờ
1 trái cà chua cắt vuông cờ
Ớt xanh, ớt đỏ cắt vuông cờ.
2 tép tỏi đập giập, bằm nhỏ vừa
1 muỗng canh dầu hào (sauce huitre, oyster flavored sauce )
1 muỗng canh nước tương
2 muỗng canh dầu ăn
1 muỗng canh xốt cà chua (ketchup)
Tiêu, ngò rí.
Cách làm:

Trong một tô to ướp thịt cùng với dầu hào, nước tương, 1 muỗng canh dầu ăn, xốt cà chua và chút tiêu cho thấm.

Khi thịt đã thấm cho 1 muỗng canh dầu còn lại vào chảo hay nồi to, cho tỏi vào phi thơm (không phi vàng).

Cho thịt vào xào khoảng 1 phút. Cho ra tô.

Dùng chảo vừa xào thịt, cho củ hành, ớt, cà chua vào. Xào khoảng 3 phút cho chín vừa (nếu khô thì thêm chút nước).

Tiếp tục cho thịt bò vào đảo thêm khoảng 1 đến 2 phút. Khi thấy thịt chín tái vừa ý thì tắt bếp.

Múc ra dĩa ăn kèm với cơm chiên hay khoai tây chiên tùy thích. Trình bày thêm ngò rí cho đẹp mắt.

Mách nhỏ :

- Không nên ướp muối với thịt bò trước vì làm vậy thị sẽ cứng, nếu không thích nước tương thì ướp với chút nước mắm.
- Tránh xào thịt quá lâu, thịt cũng sẽ dai và cứng không ngon.

Chúc các bạn thành công !

Theo Afamily                                                                                      

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Cơm rang thập cẩm

Ngoài lý do thay đổi khẩu vị cho gia đình và chiều theo ý thích của chồng, món này còn giúp mình giải quyết hộp cơm nguội của gia đình.


Nguyên  liệu:
- Cơm nguội (khoảng 3 bát ăn cơm)
- Giò lụa (150g) thái hạt lựu
- Trứng vịt (02 quả)
- Rau củ đi kèm: cà rốt và đậu cove thái hạt lựu nhỏ, 02 củ hành tím thái lát (hoặc đập giập), dưa cải chua vắt kiệt nước thái nhỏ, hỗn hợp rau thơm và hành lá thái nhỏ;
- Gia vị: bột nghệ, nước mắm, tiêu bột.


Cách làm:


- Phi thơm hành với dầu ăn, có cho thêm chút xíu bột nghệ cho màu đẹp
- Cho cơm nguội đã đánh tơi vào đảo đều
- Khi cơm đã được đảo đều và đủ nóng, cho trứng vào hỗn hợp cơm và đảo đều
- Đảo đến khi các hạt cơm tách rời nhau thì cho giò đã thái hạt lựu vào đảo tiếp
- Sau khoảng 5 phút, cho cà rốt và đậu cove thái hạt lựu vào đảo đều với cơm
- Đảo đều hỗn hợp này trong 2 phút thì bổ sung thêm dưa đã thái nhỏ
- Đảo cơm thêm 5 phút nữa và cho thêm 1 thìa súp nước mắm loại ngon,
trước khi tắt bếp cho hỗn hợp rau thơm và hành lá vào đảo đều.
- Cơm sau khi rang được rắc thêm hạt tiêu xay nhỏ, ăn nóng kèm với xì dầu và canh tùy khẩu vị
(nhà mình hay ăn cùng canh rau ngót hoặc canh cải cúc)
Nhà mình không thích ăn hành phi nên mình không cho vào, mà thay bằng ruốc thịt, ăn cũng rất ngon.


Theo Afamily 
                                                                                              

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Cách làm Kimbap - món ăn Hàn Quốc !

Các bạn xem phim Hàn Quốc có thấy món Kimbap (Có nơi còn gọi là Gimbap)- còn gọi là cơm cuốn Hàn Quốc mà các nàng thường làm tặng cho người mình yêu hoặc mang đi trong các chuyến picnic dã ngoại không? Đây là một trong những món ăn đặc sản nổi tiếng nhất  Hàn Quốc.

Nhìn Kimbap gần giống với món sushi truyền thống của Nhật Bản, nhưng Kimbap không ăn với cá sống mà nguyên liệu của nó bao gồm thịt, rau đã nấu chín. Cách chế biến món ăn thú vị này vô cùng đơn giản đấy các bạn ạ. Vậy sao mình không trổ tài nấu nướng trong ngày 8/3 thật đặc biệt năm nay nhỉ? Bạn sẽ có một ngày kỉ niệm cực kì đặc biệt và ý nghĩa đấy. Hãy cùng IME bắt tay vào làm Kimbap nhé! Chúc các bạn thành công và có một bữa ăn đáng nhớ cùng với "người ấy" hay với gia đình đáng yêu của mình nhé!HAPPY WOMEN'S DAY!
Đây là nguyên liệu của món Kimbab: trứng, thịt và rau (cà rốt và cải)
Đầu tiên phải rán trứng

Tiếp đến là xào rau (cả thịt luôn nhé):
Xong rồi chuẩn bị cuộn kimbab nhé, lá rong biển đây rùi (bạn có thể mua lá này ở siêu thị, loại chuyên dùng để cuốn Kimbap đó) .Mọi người nhớ là đặt miếng rong biển vào giữa giữa dụng cụ cuộn nhé
Bắt đầu dàn mỏng cơm lên tấm rong biển
Đặt trứng, rau, thịt vào giữa, ngay ngắn.
Giờ thì đến lúc sử dụng dụng cụ cuộn rùi đây. Cuộn từ từ và chắc tay.
Giờ thì cắt thành những khoanh nhỏ, dày cỡ khoảng 2cm chắc là okie!

Cuối cùng, dọn ra đĩa và thưởng thức
Theo Kênh 14

Cháo đêm Hà thành

Hà Nội náo nhiệt và hấp dẫn với rất nhiều hoạt động sôi nổi nhất là về ban đêm. Và khi màn đêm buông xuống bên cạnh bao thú chơi, những món ăn đêm cũng là một phần không thể thiếu. Trong đó đa dạng và phổ biến nhất vẫn là các món cháo.
Sống ở Hà Thành nếu chưa một lần đi chơi đêm để tận hưởng không khí phố phường dưới ánh đèn lung linh đủ sắc màu thì bạn đã bỏ qua một thú chơi cực kỳ thú vị. Sau buổi đi chơi cùng bạn bè, người Hà Nội thường có thói quen ăn đêm vừa cho đỡ đói vừa thỏa mãn thú vui lang thang thưởng thức những món quà đêm của thành phố. am thuc Hà Nội có rất nhiều món ăn đêm hấp dẫn để thực khách lựa chọn. Từ các món nướng, bún, phở, các món luộc cho đến các món nhậu lai rai…Trong đó cháo ngon miệng và dễ ăn nên được mọi người lựa chọn nhiều nhất.
Cháo cũng có nhiều loại khác nhau. Đơn giản nhất đúng theo nghĩa sơ khai ban đầu đó là cháo trắng. Tuy nhiên các biến tấu từ cháo có đến vô vàn: nào là cháo sườn, cháo trai, cháo ngao, cháo gà, cháo vịt, cháo tim cật, cháo cá, cháo óc lợn… Cho đến nay các món cháo đêm Hà Nội phải có đến vài chục loại, ai “năng” ăn đêm lắm may ra mới thưởng thức hết tất cả. Tất nhiên cháo cũng được bán cả ban ngày tuy nhiên thường vẫn được bán về đêm nhiều hơn bởi đó là món ăn nhẹ, dễ tiêu mà lại thích hợp cho tất cả mọi người từ người già cho đến trẻ nhỏ. Thanh niên đi chơi về ăn bát cháo nóng hổi vừa ấm bụng lại vừa đủ năng lượng đợi đến bữa sáng hôm sau.
Đêm xuống hầu như phố nào cũng có bán cháo, có hàng dọn bán cả ban ngày nhưng nhiều hàng chỉ bán về đêm. Cháo được bày bán trong các quán lớn, nhỏ cũng có mà bán ngay trên những gánh hàng rong cũng có. Cháo đêm Hà Nội có nét thú vị riêng, thường nấu đặc chứ không loãng và lõng bõng nước như bát cháo đêm ở Sài Gòn. Thường gạo dùng nấu cháo có một phần được ngâm trước, giã dập, đun nhỏ lửa cho cháo quánh lại bởi có nhựa gạo. Đó mới đích thị là bát cháo ngon. Không chỉ ngon bởi vị ngọt của thịt, của các nguyên liệu dùng nấu cháo, cháo đêm Hà Nội còn thơm và hấp dẫn bởi các gia vị kèm theo. Phảng phất là mùi hành hoa, tía tô, là vị cay nồng của dấm tỏi, hạt tiêu…Những đêm đông mưa phùn rét buốt mà đi qua những con phố bán cháo đêm dù đã no bụng thế nào cũng phải dừng xe ghé lại bên đường thưởng thức một bát cháo cho ấm bụng.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội có hẳn một phố mang tên phố Hàng Cháo. Phải chăng nó xuất phát từ một thói quen ăn uống của con người nơi đây? Giờ đây khi nhắc đến các món cháo người ta không chỉ nghĩ đến phố Hàng Cháo mà Hà Nội còn rất nhiều con phố khác cũng nổi tiếng với biết bao món cháo ngon. Đó là cháo phố Quán Thánh – Hàng Bún, phố Trần Xuân Soạn, phố Cao Bá Quát, cháo sinh viên ở Cầu Giấy, Nguyễn Quý Đức…Có những hàng chỉ chuyên về một loại cháo song cũng có nhiều quán phục vụ nhiều loại cháo cùng một lúc theo nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Với nhiều người ăn cháo đêm đã thành một thói quen không thể bỏ. Còn với các bạn trẻ cháo luôn là lựa chọn hàng đầu cho thực đơn sau những buổi tối tụ tập bạn bè. Vừa là món ăn bổ dưỡng, dễ tiêu hóa lại có tác dụng giải cảm, không biết tự bao giờ ăn cháo đêm đã thành một nét văn hóa thanh lịch không những của người Hà Nội mà còn của dân tứ xứ ngoại tỉnh.

Theo monngonhanoi

Cách trị ngứa tay khi gọt khoai

Sau khi cắt gọt khoai môn, khoai sọ, nha đam, bạc hà chúng ta hay bị ngứa tay, rất khó chịu. Vậy thì hãy ghi thêm vào sổ tay một vài mẹo vặt sau đây nhé!
1. Để tay khô khi gọt vỏ khoai, vì tay ướt sẽ bị khoai làm ngứa. Tốt nhất là luôn đeo găng nilon khi gọt.

2. Nhưng nếu lỡ quên đeo găng và bị ngứa thì cũng đừng lo. Những chất gây ngứa có trong bạc hà, khoai môn, khoai sọ rất dễ bị phân hủy khi gặp nhiệt độ cao. Bởi vậy, để hết ngứa, bạn hãy hơ tay lên lửa khoảng 1 phút sẽ cảm thấy dễ chịu ngay.

3. Khi bị ngứa hãy lập tức lấy giấm ăn pha vào nước ấm. Ngâm tay vào một chậu nước pha giấm khoảng 2 phút sẽ hết bị ngứa.

4. Một số người da nhạy cảm, không chỉ bị ngứa tay, đôi khi ngứa toàn thân thì dùng 2 muỗng canh giấm pha vào nước, tắm sẽ hết ngứa cả người.

5. Ngoài ra, bạn có thể ăn rau má trộn dầu giấm. Cách này sẽ giúp giảm ngứa nhanh chóng.
Theo Sức sống mới

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

9 mẹo nhỏ giúp giảm tác hại của rượu

Dù biết rượu có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe nhưng bạn không có lý do để từ chối rượu trong các bữa tiệc tiếp khách...Những mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp hạn chế tới mức tối đa ảnh hưởng của rượu tới sức khỏe cơ thể.
 1. Không tắm ngay sau khi uống rượu
Việc tắm ngay sau khi uống rượu sẽ làm tiêu hao một lượng lớn đường glucose có trong cơ thể, từ đó làm giảm lượng đường trong máu, dẫn tới hạ đường huyết đột ngột, giảm thân nhiệt.
Thành phần chất cồn trong rượu sẽ làm rối loạn hoạt động của gan.
Tắm ngay sau khi uống rượu nhiều còn có thể gây đột quỵ hoặc trụy tim mạch, dẫn tới tử vong.
2. Ăn nhiều rau xanh và hoa quả
Rau xanh, hoa quả, đậu tương và các chế phẩm từ đậu tương giàu vitamin và chất chống oxi hóa, giúp bảo vệ gan và hạn chế tác hại của cồn trong rượu tới hoạt động của gan.
Vì vậy, một chút rau xanh, hoa quả hoặc sữa đậu nành sau bữa tiệc sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của lá gan và cơ thể.
3. Không uống rượu thuốc trong bữa tối
Một số loại thực vật và thảo dược trong thành phần của rượu thuốc sẽ kết hợp với thức ăn có nguồn gốc động vật và sản sinh ra các phản ứng hóa học có hại cho dạ dày và hệ tiêu hóa, đôi khi có thể gây cảm giác đầy bụng, khó tiêu và ói mửa.
Thức ăn càng để lâu thì tác hại của rượu với cơ thể càng lớn. Vì vậy, không nên dùng rượu thuốc vào buổi tối.
4. Không dùng trà ngay sau khi uống rượu
Nước ép trái cây như nước cam ép, táo ép chứa nhiều thành phần axit amin và hàm lượng đường fructose, có tác dụng trung hòa lượng cồn của rượu, từ đó có tác dụng giải rượu nhanh.
Ngược lại, thành phần tanin trong trà lại càng kích thích nhanh hơn quá trình thẩm thấu của cồn vào dạ dày và gây hại cho dạ dày nhiều hơn.
5. Tuyệt đối không uống rượu khi đói
Khi bụng đói, lượng axit trong dạ dày tăng lên, khi kết hợp với chất cồn trong rượu sẽ làm bạn dễ say hơn, kèm theo đó là cảm giác nôn nao, khó chịu.
Vì vậy, vừa ăn, vừa uống hay ăn một chút lót dạ trước khi uống rượu là cách tốt nhất để đẩy lùi cơn say và giảm bớt tác hại của rượu với sức khỏe cơ thể. Khi đã có thức ăn trong dạ dày. Các axit dịch vị còn " mải mê" tiêu hóa thức ăn mà tạm thời "quên đi" việc xử lý chất cồn trong rượu, từ đó đẩy lùi cơn say.
6. Không dùng nhiều loại rượu cùng lúc
Rượu thuốc, rượu vang, rượu trắng... mỗi loại có thành phần và liều lượng khác nhau, khi uống lẫn lộn, sẽ dễ làm bạn say hơn.
7. Không uống nhiều 1 lúc
Uống rượu từ từ cũng là cách giảm cơn say của bạn vì 1 lượng cồn lớn bất ngờ "đổ bộ" vào cơ thể trong thời gian ngắn có thể gây tác động nhanh, mạnh tới não bộ, có thể dẫn tới choáng và nhanh say hơn.
8. "Kết thân" với nước khi uống rượu
Khi uống rượu, bạn đừng quên chuẩn bị cho mình một vài cốc nước đun sôi để nguội. Bạn nên uống nước ngay sau khi uống rượu. Dù lượng nước nhiều hay ít thì việc này cũng làm bạn phải tích cực "ghé thăm" nhà vệ sinh nhiều hơn. Cách này cũng giúp đẩy nhanh quá trình đào thải chất cồn ra khỏi cơ thể qua đường tiểu tiện, làm bạn không bị say khi uống rượu.
9. "Làm ấm" rượu trước khi uống
Đối với tất cả các loại rượu, trước khi uống, bạn hãy "làm ấm" chúng bằng cách ngâm vào nước nóng. Dưới tác động của nhiệt độ, một số chất có hại trong rượu sẽ bay hơi, từ đó giảm được những tác động xấu của rượu tới sức khỏe cơ thể.
Theo Dantri

Ăn gì để trẻ

Bỏ qua những phương pháp bơm cấy phẫu thuật đầy phức tạp và rủi ro, bỏ qua những loại mỹ phẩm đắt tiền mà đôi khi hiệu quả thực lại khác xa quảng cáo, bạn hoàn toàn có thể lưu giữ vẻ xuân thì với một chế độ ăn uống, am thuc giàu vitamin và khoáng chất có lợi cho da.
Khi thiếu các axit béo cần thiết, da sẽ bị khô, có vảy, mất đi vẻ mềm mại, tươi tắn, xuất hiện nhiều nếp nhăn.
Vitamin A, C, E, B: Vitamin B tạo ra chất collagen giúp hạn chế triệt để nếp nhăn trong khi vitamin A và E bảo vệ, ngăn ngừa sự phá hoại của cơ tự do hoặc sự phản ứng xấu của oxy hóa đối với tế bào. Vitamin C lại giúp duy trì lượng collagen trong da, giữ cho nó được ổn định.
Vitamin A có nhiều trong gan, cá, gấc, đu đủ, ớt đỏ... Vitamin C rất dồi dào trong quả kiwi, chanh, cam, bưởi... Dầu olive, giá đỗ là những mỏ vitamin E thiên nhiên quý giá.
Axít béo omega 3 và 6: Chất béo không bão hòa này sản sinh ra lượng dầu tự nhiên giúp da không bị mất nước và luôn mềm mại đồng thời ngăn ngừa sự xuất hiện của các nếp nhăn. Khi thiếu các axit béo cần thiết, da sẽ bị khô, tróc vảy, mất đi vẻ mềm mại, tươi tắn, xuất hiện nhiều nếp nhăn.
Cá hồi, cá thu là những loại thức ăn chứa hàm lượng axit béo omega 3 nhiều nhất. Chất béo có lợi cho da này cũng có trong quả bơ, hạt điều, hạnh nhân, hạt óc chó..
Kẽm: Khoáng chất này giúp làm liền vết thương nhanh mà không để lại sẹo, chứa nhiều collagen và các chất xơ đàn hồi có thể bảo vệ sự mềm dẻo cũng như vững chắc cho làn da. Thiếu hụt kẽm có thể gây khô, rạn nứt, sần da và sinh mụn. Kẽm có nhiều trong thịt bò, hạt bí, thịt gà tây, lòng đỏ trứng, rau xà lách, các loại đậu..
AHA: Đây là loại acid có tác dụng mài mòn những lớp tế bào già cỗi, giúp tẩy da chết, làm da trắng sáng hơn. Để bổ sung AHA, bạn nên uống sữa và ăn nho tươi.
Selen: Chất khoáng selen có khả năng ngăn ngừa nguy cơ cháy nắng của da và cải thiện màu sắc cho da. Chất này đặc biệt nhiều trong cá chỉ vàng.
Magiê: dù rất nhỏ nhưng magiê là thành phần của men chống lão hóa, giúp da khỏe, mềm. Thực phẩm có nhiều magiê là ngũ cốc, sữa, các loại rau sẫm màu, trái cây chín mềm như chuối, bơ...

Theo Monngonhanoi

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Bò nướng vỉa hè ngày đông

Những ngày đông, đi dọc các con phố Mã Mây, Hàng Đậu, Hàng Than, Cát Linh, Đào Duy Từ… thật khó lòng cưỡng lại mùi thịt bò nướng thơm nồng như mời gọi từ hai bên đường.

Ăn bò nướng chẳng đòi hỏi bàn ghế sang trọng. Ngồi một góc vỉa hè, với chiếc bàn và dăm ba ghế nhựa quây quay cũng có cái thú riêng của nó. Ở đó, hoà chung trong cái ồn ào náo nhiệt của phố xá đã lên đèn, chẳng cần bận tâm từng cử chỉ, điệu bộ ra vẻ lịch thiệp, cũng chẳng phải “suỵt” khi có lỡ nói to làm phiền người khác. Bên chảo bò nướng, ta được sống những phút giây thật nhất, được là chính mình, tha hồ ồn ào tếu táo, hay thỉnh thoảng bật cười vì những câu chuyện cố tình “nghe trộm” được của bàn kế bên.

Ở đâu cũng vậy, bò nướng được bán theo suất bao gồm một đĩa thịt bò sống, cà chua, hành lá, hành tây. Cũng có những quán còn phục vụ thêm cả khoai tây hay khoai lang để nướng cùng, rất ngon và lạ miệng. Tuỳ theo lượng người mà gọi, có những suất ăn khác nhau dành cho hai người, bốn người hay đông hơn nữa.

Thịt bò thái mỏng, to vừa miệng, được ướp sẵn cùng nhiều loại gia vị: Muối, nước mắm, hạt tiêu, dầu vừng... Nói là vậy, nhưng mỗi quán vẫn tự “sáng tạo” ra những công thức ướp thịt riêng đặc trưng, cũng coi như một cách để tự gây dựng “thương hiệu” cho mình. Cùng là bò nướng, có chỗ lại hơi cay, nơi lại mang vị chua chua thơm thơm, nơi thì nồng ấm mùi rượu.

Bò nướng chẳng phải là thứ ăn vội, ăn nhanh. Đây là món tự phục vụ theo đúng nghĩa đen của nó, từ việc bắc chảo, cho tới rưới mỡ và xào rán nguyên liệu. Bởi thế mà ăn bò nướng phải vừa ăn, vừa chờ đợi, cho tới khi cả hai mặt thịt đều săn lại, vừa chín tới, mùi thịt bò chín thơm nức mũi tới tận những bàn xung quanh.

Bò nướng mà thiếu đi nước chấm thịt thì cũng coi như vơi mất non nửa mùi vị “chính hiệu”. Nước chấm ở đây chẳng cầu kì, chỉ có muối hoà chung với chanh và có thể thêm một chút ớt nếu thích ăn cay. Vậy mà thật kì lạ, vị đậm nồng của từng miếng thịt còn nóng hổi lại có thể hợp khít với vị chua thanh, mằn mặn đến vậy. “Thả” một miếng thịt đậm đà vào trong miệng và để cho những vị mặn, cay, chua, nóng từ từ “xuống” khắp người, ấy là lúc bạn nhận ra mình đã “bị” món ngon bình dân vỉa hè này chinh phục.

Với bò nướng, bánh mì là món ăn kèm không gì hợp hơn. Người thích ăn khô thì kẹp thịt vào trong ruột bánh, người muốn tận hưởng hương vị đậm đà của nước thịt, quyện với mùi thơm ngậy của bơ thì cũng chẳng ngại tỉ mẩn ngồi xé từng miếng bánh mì, đặt gọn một góc chảo phía mình, để cho nước thịt nước mỡ cứ thế ngấm dần vào bánh. Nếu bạn “chẳng may” bị ngấy mỡ hay quá cay nóng thì cũng không cần lo lắng, bởi đã có đĩa xoài xanh hay củ đậu luôn “túc trực” bên cạnh xoa dịu.

rời càng lạnh, những quán bò nướng lại càng tấp nập, từ sẩm tối cho tới nửa đêm. Bởi ai muốn thỏa lòng yêu thích ẩm thực, khám phá món ngon xoay tròn bên mỗi câu chuyện mà chẳng tìm tới những hàng quán bình dị nhưng không kém phần lôi cuốn như bò nướng.

Như cô bạn học cũ của tôi, cứ tới sinh nhật là rủ cả hội bạn bè đi bò nướng, tuần tự tới mức chẳng cần hẹn nhau trước, mà tất cả cũng biết phải tới đâu. Và sau từng ấy lần, xem ra vẫn chẳng ai từ chối cái chốn bình dị này, vì chỉ có ở đó chúng tôi mới đúng là những người trẻ tuổi ồn ào, chí choé đến lộn xộn, được nói những chuyện vui đùa mà ở nơi du dương tiếng nhạc, chẳng hề ai dám mở lời.
Những ngày cuối đông rét mướt này, quanh đây thôi, sẽ lại có những người đang háo hức chờ đợi cuộc hội ngộ tràn tiếng cười bên chảo bò nướng, vào sinh nhật của một ai đó...để thưởng thức thú am thuc dân dã nhưng rất lý thú.
                                                                                                                      Theo Monngonhanoi

Những món ăn ngon mà rẻ ở Hà Nội

Dưới con mắt của một người nước ngoài, ở Hà Nội có nhiều món tuy rẻ tiền nhưng lại ngon tuyệt vời.
Dưới đây là tập hợp những bài viết về các món ngon mà rẻ ở Hà Nội của Mark Lowerson.
Bánh chuối, bánh khoai, bánh ngô
Ở giữa những chảo dầu đang sôi sùng sục, cô bán hàng ngồi dưới tán cây trong những ngày Hà Nội se se lạnh. Tôi nhìn thấy cô hàng ngày và đã biết cô nhiều năm nay, không theo cái cách hiểu tường tận về con người nhưng cũng đủ để nhận ra, vẫy tay chào, mỉm cười hoặc gật đầu khi nhìn thấy nhau. Tôi biết cô chỉ qua quan sát và những mảnh đối thoại vụn vặt. Cô có một chiếc xe đạp, thỉnh thoảng cũng sáng tác những bài thơ ủy mị và cô không có chồng.

Khoai lang chiên
Nhưng điều quan trọng nhất tôi muốn nói ở đây, rằng cô là một người bán các loại bánh tẩm bột. Cô bán hàng thái sẵn chuối, khoai lang hay ngô thành từng phần vừa đủ trước khi nhúng chúng vào phần bột đã được pha loãng. Sau đó, hỗn hợp này được đặt khéo léo, từ từ vào chảo dầu sôi để tránh dầu bắn ra bên ngoài.
Phía trên của chảo dầu, cô bán hàng đặt những tấm giá gác để bánh ráo mỡ mà vẫn giữ được nóng cho khách hàng thưởng thức. Vậy là chiếc bánh thơm ngậy đã hoàn thành, và tôi chỉ chờ để làm công đoạn cuối cùng. Tôi lấy một mẩu giấy báo và chọn cho mình một chiếc bánh từ giá để và thưởng thức vị giòn giòn, béo béo đặc trưng của loại bánh này.
Dầu thấm qua tờ giấy kẹp bánh và chắc chắn tôi sẽ tăng thêm vài kg, nhưng có hề chi, tôi vẫn tiếp tục lấy cho mình chiếc thứ hai.
Bánh chiên
Chẳng mấy khó khăn để mua cho mình một món đồ ăn ở Hà Nội khi những người bán hàng dạo đem chúng đến mọi ngóc ngách đường phố. Những người bán bánh mì đội thúng lên đầu, những người bán hoa quả mang hai gánh hàng trên vai, xôi, ngô luộc, được chở bằng xe đạp và thỉnh thoảng tôi còn bắt gặp những hàng bún bán dạo.
Một lần, tôi đang mua na của một người bán hàng dạo thì bắt gặp cô bán bánh rán. Có lẽ trong đầu cô khi đó xuất hiện ý nghĩ: “Nếu ông Tây phải trả 20.000 đồng cho một cân na thì tại sao không bỏ thêm 1.000 đồng nữa để mua bánh của mình?”.
Đối với những người bán dạo, hành động mua bất thình lình không dự tính trước của khách hàng đóng vai trò quan trọng. Và tôi thỉnh thoảng cũng tự thưởng cho mình một xiên bánh chiên nằm ngoài kế hoạch, chúng rất ngon.
Xôi “cầu vồng”
Đó là một loại xôi đặc biệt thường chỉ có ở vùng núi cao thuộc thị trấn Sapa. Tôi tình cờ biết đến món ăn này trong chuyến đi không đặt trước đến Sapa. Màu sắc của xôi khiến tôi vô cùng ấn tượng và hương vị của nó làm tôi nhớ mãi. Tôi thầm nghĩ có lẽ đây là nơi duy nhất trên thế giới tạo ra được món ăn độc đáo như vậy.

Xôi ngũ sắc
Và thật tình cờ, một lần nữa tôi lại có duyên với món xôi “xanh, đỏ, tím, vàng…” này ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Địa chỉ: phố Mã Mây
Bánh cuốn “rổ”
Một buổi sáng Chủ nhật, tôi rảo bước trong khu chợ giữa phố cổ đông đúc ở Hà Nội. Len giữa một lối đi hẹp, hai bên là hàng cá, hàng thịt, tai tôi tràn ngập những tiếng người nói, mặc cả, gọi nhau í ới và mũi “được” tận hưởng làn khói ống bô xe máy. Người Việt Nam có câu: “hai người đàn bà và một con vịt làm thành cái chợ”. Với khung cảnh trước mắt, có lẽ tôi nên sửa lại là nhiều người đàn và và một cái chợ tạo thành “quả bom tấn”.

Bánh cuốn chả
Nhưng tất cả những chi tiết đó không khiến tôi bị phân tâm bởi một “nhiệm vụ” lớn lao hơn, đó là thưởng thức bánh cuốn, món ăn mà tôi đã có lần miêu tả, làm từ bột cán mỏng và mộc nhĩ, ăn cùng chả quế và nước mắm pha.
Tôi tận hưởng món bánh cuốn vừa lắng nghe cô con gái của người bán hàng thích thú dạy mẹ những con số bằng tiếng Anh, 3.000, 5.000, 7.000… Với những hương vị tươi ngon quyện vào nhau, đây là một trong những bữa ăn giá trị nhất mà tôi từng thưởng thức.
Bánh trứng sữa caramen
Trước khi thưởng thức món caramen, tôi đã dành ra năm phút để bày tỏ sự ngưỡng mộ món bánh mịn, mềm hoàn hảo này. Từ mọi góc nhìn, dường như nó không hề có một chút “tì vết”, màu vàng óng của kem trứng, màu nâu đỏ của cà phê “long lanh” dưới ánh nắng mặt trời. Chiếc bánh hình nón cụt này khiến tôi như bị thôi miên. Tôi gần như không muốn phá vỡ sự “hoàn hảo” đó.
Thế rồi, tôi cũng quyết định dùng thìa để thưởng thức. Thật không thể tin nổi, món caramen mát lạnh “lướt” qua môi tôi và tan chảy trong miệng, để lại vị ngọt của sữa, vị ngậy của trứng và vị đắng của cháy cà phê.
Dù khung cảnh quán rất đơn sơ, chỉ có mấy chiếc ghế nhựa đặt trên vỉa hè, nhưng không vì thế vị ngon của caramen giảm sút. Tôi không chắc tại sao người Hà Nội có thể làm ra món bánh caramen tuyệt vời đến vậy nhưng chắc chắc tôi sẽ trở lại đây nhiều lần nữa.
Bánh rán “bóng chày”
Gói trong những tờ giấy in, những “quả bóng” làm từ bột gạo này được bày bán hàng ngày trong con hẻm nơi có nhà hàng tôi thường dùng bữa trưa. Tôi có thói quen quan sát những người bán hàng trên đường đã ba năm nay và hôm nay, trong khi chờ người bạn cùng phòng, tôi quyết định thử một chiếc bánh rán với giá rẻ bất ngờ.
Chọn cho mình chiếc bánh rán ngọt như “quả bóng chày” nóng hổi, tôi từ từ khám phá phần nhân bánh là một hỗn hợp đậu xanh, đường và dừa, bao quanh là vỏ bánh nặn từ bột gạo rán giòn. Những hạt vừng được rắc xung quanh tạo độ “hấp dẫn” cho chiếc bánh. Một loại khác mà tôi nghe người bán hàng giới thiệu, đó là bánh rán mặn, với “thân hình” dài hơn và phần nhân làm từ thịt và mộc nhĩ.
Tôi như bị thôi miên trước những động tác thuần thục của cô bán hàng, nặn bánh, trộn nhân, rán bánh, trở bánh, không khác gì một nghệ sĩ “xiếc” điêu luyện.
Sắn nóng
Cây sắn là loài thực vật thuộc họ rau củ, được sử dụng thường xuyên trong thời kỳ chiến tranh cũng như khi Việt Nam đứng trước nạn đói. Ngày nay, nó đã trở thành món ăn dạo phổ biến và yêu thích của nhiều người dân Hà Nội, đặc biệt vào mùa đông.
Đi dạo quanh các tuyến phố Hà Nội về đêm, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe đẩy bốc khói nghi ngút, chắc chắn đó là kiểu xe bán sắn quen thuộc. Những củ sắn trắng nõn, thơm ngào ngạt, được nấu chín cùng dừa sợi và giữ ấm trong một nồi nhôm lớn với bếp than ở phía dưới. Món sắn dân dã và bình dị này có thể làm “say lòng” bất cứ du khách nào đến với Hà Nội.
                                                                                                                                    Theo CATPHCM
 

Canh cải cá viên, Mực xào ngô bao tử, Kem chiên

Mực xào ngô bao tử là món ăn dễ làm và không hề tốn nhiều thời gian, bạn hãy vào bếp và chế biến món ăn này cho bữa ăn hôm nay nhé!

Canh cải cá viên

Nguyên liệu:

- Cá viên: 200 gr
- Rau cải: 1 mớ
- Gừng tươi thái lát: 1 củ
- Hạt nêm, bột ngọt, bột canh, hạt tiêu.

Cách làm:


- Rau cải nhặt bỏ lá già, rửa sạch, cắt khúc nếu cần.
- Cho nước vào nồi, đặt lên bếp đun sôi. Cho cá viên vào nồi rồi đun nhỏ lửa khoảng 10 phút cho cá chín.
- Tiếp đến là cho rau cải, gừng thái lát, đun thêm 5 phút.
- Nêm gia vị, hạt tiêu cho vừa ăn. Khi rau chín thì tắt bếp, nhấc xuống.

Mực xào ngô bao tử

Nguyên liệu
  • Mực lá
  • Bắp bao tử
  • Đậu Hà Lan,
  • Nấm rơm
  • Hành tây
  • Tỏi băm
  • Gia vị cần thiết
Cách làm:

- Mực làm sạch, khứa mắt lưới, xắt miếng vừa ăn.
-    Bắp non rửa sạch, có thể chẻ đôi hoặc để nguyên.
-    Đậu Hà Lan tước xơ hai đầu, rửa sạch, luộc sơ qua nước sôi, vớt ra để ráo.
-    Bắc chảo lên bếp, phi thơm tỏi bằm, cho mực vào xào săn, cho bắp non và đậu Hà Lan vào, nêm dầu hàu, dầu mè, hạt nêm, xào khoảng bảy phút.
-    Hòa tan bột năng với nước, cho vào để tạo độ sệt, nhấc xuống, rắc tiêu, hành, ớt sừng lên mặt.

Kem chiên

Nguyên liệu

  •  Kem vanile
  • Xác dừa
  • Trứng gà
  • Bánh bông lan
Cách làm:

-    Kem vanile múc thành từng viên tròn nhỏ như trái cóc, cho vào tủ đá để kem cứng lại (tốt nhất để trong tủ qua đêm )
- Bánh bông lan xắt thành từng lát mỏng, mang gói kín viên kem lại, nhớ bóp mạnh tay thật chặt  (Mẹo nhỏ, có thể lấy lát bánh gói kem rồi, lấy 1 cái khăn sạch,bỏ cục kem vào rồi xoắn khăn cho chặt )
- Trứng gà chỉ lấy lòng trắng, đánh cho tan rồi cho viên kem vừa được bọc bánh bông lan vào, nhúng trong trứng, sau đó thả viên kem vào. Bánh cho vào tô chứa xác dừa (cùi dừa nạo phơi khô), lăn đều cho dừa bám đều trên mặt bánh
- Để bánh vào lại tủ lạnh cho lớp vỏ cứng lại, khi ăn, đun nóng chảo dầu 160-180 độ C, thả viên kem vào dầu nóng, đảo đều mặt rồi vớt ra ngay, cho kem vào ly, nhỏ 1 giọt mật ong lên cho thơm.

Theo Monngon

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

Kem sữa chua dưa hấu ngon như sinh tố

Kem man mát, xốp mịn, ăn kem mà vẫn tốt cho sức khỏe vì nó giống như sinh tố thôi.


Nguyên liệu:
2 chén dưa hấu, bỏ hạt
1 chén sữa chua trắng
Đường hoặc mật ong
Cách làm:

Cho dưa hấu vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn
Lọc hỗn hợp qua một cái rây, bỏ hết các bã gợn.
Cho phần hỗn hợp đã lọc trở lại máy xay, thêm sữa chua và đường, xay 30 giây nữa
Cho hỗn hợp vào khuôn kem và để vào ngăn đá tủ lạnh, kem đông lại là dùng được
Nếu không thích sữa chua bạn có thể thay bằng cốt dừa hoặc sữa đậu nành cũng rất ngon 
                                                                                                                           Theo Afamily

Thịt Gà Băm Xào Bí Đỏ

Món ăn mềm ngọt, bổ dưỡng rất thích hợp cho người già và trẻ em. Đây là một món ngon dân dã của am thuc Việt Nam.

Nguyên liệu:
Thịt gà (có thể dùng thịt ức gà hoặc đùi gà lọc xương)
Bí đỏ 1 miếng
Đậu Hà Lan
Hạt nêm
Cách làm:
 Thịt gà băm nhỏ, ướp với ½ thìa hạt nêm.
Bí đỏ gọt vỏ, thái miếng vuông nhỏ.
Cho dầu vào chảo đun nóng. Cho bí đỏ vào xào, nêm chút hạt nêm, xóc bí đều cho chín tới, tránh đun kỹ quá và đảo nhiều bí xào sẽ biến thành “cháo bí” mất.
Khi bí gần chín thì cho đậu Hà Lan và thịt gà vào, đun lửa vừa. Đảo nhẹ tay cho gà chín săn.
Nêm nếm cho vừa ăn rồi tắt bếp.
 Trút ra bát ăn nóng với cơm.

Theo Afamily                                                                                          

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Thịt Bò "Hoàng Gia"


Thành phần : (làm 4 phần ăn)

  - 800g thịt mông bò, để lạnh, cắt thành 4 phần

* Thịt om :
  150g hành đỏ (hành Tây Ban Nha)
  100g tỏi
  100g gừng
  200ml nước tương
  100ml tương ớt
  300ml cà chua nghiền nhỏ
  100ml giấm thơm
  50ml dầu ô liu
  2 lít nước lèo bò
  50g lá rau mùi
  60g đường

* Đậu lăng :
  30g tỏi tươi
  20g hành tươi
  1 muỗng canh bột cà ri
  250ml kem tươi
  4 cái lòng đỏ trứng gà
  400g phó mát mozarela
  50ml dầu ô liu
  5g muối và tiêu sọ xay để nêm
  10g rau thơm
  10g cây xò thơm (để ướp)
  200ml nước lèo gà
  2kg đậu lăng

Cách làm


* Thịt om :
Làm nóng dầu ô liu và xào sơ hành,tỏi, gừng cho đến khi trong mỡ, bỏ tất cả các nguyên liệu khác vào và đem đun sôi, khuấy kỹ và nếm gia vị.

* Đậu lăng :
Xào hành và tỏi trong dầu ô liu cho đến lúc có mùi thơm. Cho bột cà ri vào và tiếp tục nấu, cho đậu lăng vào và quậy đều. Thêm nước lèo gà vào cho đủ ngập đậu lăng và hầm cho ến khi nước lèo cạn. Lấy xuống khỏi bếp, để nguội và đổ vào máy trộn, trộn kỹ và bỏ kem và lòng đỏ trứng vào và trộn lại lần nữa cho thành miếng chả rồi lấy ra. Nêm gia vị và trải ra trên một cái khay, nưóng ở 180 độ C trong 10 phút. Cắt thành hình tuỳ thích và đặt những miếng phó mát lên trên.

* Cách bày thức ăn :
Săy rau Địa Trung Hải, nướng tiêu , cắt cà rốt cho mỏng, đọt măng tây, nấm nhỏ. Bò bít tết hoàng gia - nêm gia vị và phủ kín với nước xốt thịt om, rau mùi và dầu mù tạc.

(Nguồn: Peter Knipp Holdings Pte Ltd)