Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Ba Chỉ Xốt Xì dầu

Sở dĩ có món này là do mình rất thích ăn xì dầu nên hay mày mò các món có liên quan tới xì dầu.

Nguyên liệu rất đơn giản, bao gồm:
Thịt ba chỉ, xì dầu, tương ớt (nếu thích), gừng (nếu thích).
Ba chỉ chần sơ với nước sôi và rửa sạch, sau đó cho luộc chín tới trong nước có gừng băm nhỏ (mình cho thêm gừng vào nước luộc để thịt vừa có mùi thơm, sau đó có thể tận dụng nước luộc thịt này để nấu canh cải cũng rất hợp trong những ngày trời lạnh).
Tranh thủ trong lúc luộc thịt, chuẩn bị nước xốt xì dầu với tỷ lệ xì dầu/ nước lọc/ tương ớt là 2:3:1
Thịt sau khi luộc chín tới, dùng dĩa xăm đều lên 4 mặt thịt để khi xốt sẽ ngấm đều xì dầu hơn
Thịt sau đó được chiên sơ đến khi hơi vàng đều 2 bên mặt (tùy sở thích của từng người, có thể chiên kỹ hơn hoặc không chiên đều được cả) và cho nước sốt vào đun nhỏ lửa (trong khi đun nhớ thường xuyên trở thịt để đảm bảo xốt được ngấm đều).
Khi nào nước xốt còn sền sệt là được
Món này nên ăn nóng, khi ăn thái miếng dầy vừa phải và ăn kèm với dưa góp
Ba chỉ chế biến kiểu này rất mềm và thơm vị xì dầu, mầu sắc cũng rất đẹp
Món này ngon và tận dụng được rất nhiều thứ: nước luộc thịt dùng để nấu canh, nước xốt còn dính trong chảo dùng để trộn với cơm nóng cũng rất ngon (tất nhiên, món này sẽ để dành cho “đầu bếp” rồi).
 Chúc các bạn và gia đình bữa cơm đầm ấm!
Theo Afamily

Bài viết cùng chủ đề:
-             Thơm ngon ba chỉ nướng riềng mẻ
-             Thịt ba chỉ rán cuộn giá
-             Thịt ba chỉ rim tôm
-             Thịt Ba Chỉ Nướng Kiểu Thái

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Cá Thu Kho Ớt

Cá thu kho cay với ớt và tiêu, dùng cùng cơm nóng và dưa leo rất ấm bụng.
Nguyên liệu:
Cá thu đã cắt khoanh sẵn 250 gr; 1/2 Gói gia vị cá kho; Hành tím 4 củ; Ớt hiểm 3 trái; Hành lá.
Thực hiện:

Xát muối vào cá rồi rửa lại với nước lạnh, để cho ráo rồi cho vào nồi. Ướp với 1 thìa cafe muối, 1 thìa cafe tiêu và 1 thìa canh dầu ăn.
Hành tím lột vỏ cắt nhỏ hạt lựu. Ớt xắt nhỏ. Hành lá xắt nhỏ.
Trộn hành tím và ớt lại, bỏ vào chày, cho thêm vào 1 thìa bột ngọt, 1 thìa đường, 1 thìa muối, nửa bịch gia vị cá kho Knorr, trộn tất cả lại và giã nhuyễn.
Sau khi giã xong, cho vào 3 thìa nước mắm, đổ vào nồi cá, bỏ hành lá xắt nhỏ lên trên, trộn đều và ngâm trong 30 phút.
Bắc nồi cá lên bếp, để lửa lớn cho đến khi hỗn hợp gia vị sôi thì đổ vào 1 chén nước lã (nhớ lật mặt cá để 2 bên mặt được chín đều, có thể gạt hành tím xuống đáy nồi để tránh làm cháy cá), để lửa liêu riêu. Có thể nêm thêm mắm, muối để điều chỉnh gia vị.

Đến khi nào nồi cá lại sôi thì cứ để sôi lăn tăn thêm 10-15 phút nữa hãy tắt bếp.
Dọn ra dĩa, dùng cùng cơm nóng, nước sốt chan cơm và chấm dưa leo ăn rất ngon.

Theo 24h

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Mẹo Chiên Xào Vừa Ngon Vừa Khỏe

Món chiên, món xào bao giờ cũng hấp dẫn người thưởng thức bởi hương vị thơm ngon và màu sắc tươi mới của nó.
Nhưng để chiên, xào sao cho ngon, ít dầu mỡ có lợi cho sức khoẻ thì phải cần bí quyết:
Xào xào
Ướp thịt hoặc hải sản bằng: hạt nêm, tiêu, và chút dầu ăn trước khi xào, thực phẩm chín sẽ thơm, mềm hơn.

Để khử bớt mùi tanh của hài sản, có thể cho chút rượu trắng, rượu mùi,… trong lúc ướp hoặc khi gần tắt bếp, đảo đều, thực phẩm sẽ thơm hơn. 
Chần sơ rau củ quả qua nước sôi, sau đó đảo nhanh tay trên lửa lớn, rau của quả sẽ không bị quá mềm và giữ được màu tươi ngon.

Xào rau củ quả trước để riêng, rồi mới xào thịt, hải sản sau. Sau đó, trộn hai thứ vào, trộn đều tay, món ăn sẽ không bị quá mềm hoặc nát.

Đối với một số món xào, khi sắp xào xong, cho một ít nước bột bắp pha loãng vào để tạo độ sánh, giúp món ăn ngon miệng hơn.

Chiên chiên
Rắc một ít muối vào chảo dầu trước khi chiên, dầu sẽ không bắn ra ngoài khi bạn cho thực phẩm vào chiên.

Nhúng thực phẩm qua trứng gà đánh tan và bột chiên, thì món ăn sẽ giòn và hương vị thơm ngon hơn.

Không nên chiên nhiều loại thực phẩm khác nhau: hài sản, thịt, rau củ quả… trong cùng chảo dầu, vì như thế món ăn sẽ bị lẫn mùi vị.

Đối với thực phẩm có kích thước to: đùi gà, con cá, chân giò… xăm hoặc khứa khi chiên thì thực phẩm sẽ nhanh chín và không bị cháy xém.

Chiên ngập dầu, thực phẩm sẽ ít hút dầu hơn. Dùng giấy thấm dầu lót thực phẩm sau khi chiên.

Món chiên sẽ tăng thêm hương vị khi được dùng kèm các loại nước chấm hoặc sốt thích hợp.

Không tận dụng dầu để chiên đi chiên lại nhiều lần, không tốt cho sức khoẻ.

Chúc các bạn ngon miệng hơn với các món chiên chiên, xào xào của mình!
                                                                                                                                         Theo SSM

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Canh Hải Sản Nấu Xả

Cùng thay đổi khẩu vị để cho bữa cơm sau tết thêm hấp dẫn và lạ miệng bằng món "Canh hải sản nấu sả",
Nguyên liệu
100 g tôm sú, rửa sạch, lột vỏ
100 g mực lá, rửa sạch, cắt miếng vừa ăn
100 g cá lóc phi lê, rửa sạch, cắt miếng vuông
1.5 trái cà chua, rửa sạch, cắt múi cau
50 g nấm rơm, rửa qua nước muối pha loãng, cắt đôi
3 cây sả, bóc vỏ, đập dập, cắt khúc để thêm hương cho món ăn
2 trái ớt hiểm, rửa sạch, đập dập
3 nhánh ngò rí, rửa sạch, cắt khúc để tạo mùi thơm cho món ăn
1 lít nước lọc để nấu canh
3 muỗng cà phê hạt nêm từ thịt mới
1.5 muỗng canh nước mắm ngon
Hướng dẫn nhanh
Nước mắm ngon + ớt
Thực hiện

Bước 1: cho nước lọc, sả cây và ớt hiểm vào nồi. Nấu khoảng vài phút để lấy mùi thơm.
Bước 2: Lược bỏ sả cây và ớt,  tiếp tục cho tôm, mực và cá lóc vào nồi này, nấu chín.
Bước 3: Xào sơ cà chua và nấm rơm để lấy màu và loại bỏ mùi nồng của nấm, cho tiếp vào nồi nước canh hải sản.
Nêm canh với hạt nêm từ thịt mới cho ngọt canh xương ống, đậm đà thịt thăn. Nêm nước mắm ngon cho vừa ăn.
Bước 4: Múc canh hải sản vào tô, trang trí với ngò rí. Dùng nóng với nước mắm và ớt.
 Theo SSM

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Mẹo Giữ Bánh Chưng Ra Tết Không Mốc

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa HN khẳng định bánh chưng mốc không độc nếu biết cắt đi.
Đồng thời không nên ăn mứt, hạt bị ỉu, mốc sau Tết.

Bánh chưng mốc không độc
Trong dịp Tết một số gia đình gói nhiều bánh chưng nên ăn không hết, thường gặp hiện tượng bánh chưng bị lại gạo. Hiện tượng này thường xảy ra đối với bánh chưng chỉ nấu đủ chín hoặc gói quá chặt tay và được lưu giữ dài. Hiện tượng lại gạo không có gì đặc biệt vì hạt gạo nếp sau khi chín, để lâu có thể bị tách nước, hạt nếp trở lại trạng thái khô cứng một phần hay toàn bộ như hạt gạo ban đầu. Khi bánh chưng bị lại gạo, chỉ cần mang luộc lại, bánh lại mềm và nóng, ăn vẫn ngon như thường. Bánh chưng cũng có thể bị mốc, đặc biệt trong những ngày thời tiết ấm áp làm nấm mốc dễ phát triển. 
Tuy nhiên, bánh chưng mốc cũng không đáng ngại vì mốc thường phát triển ở lớp lá bên ngoài và dễ dàng bị phát hiện ra bằng mắt thường. Chỉ cần hơ bánh trên bếp gas đang cháy hoặc cho bánh vào nồi luộc lại là mốc bị diệt hoàn toàn.

Bánh chưng có thể bị mốc ăn sâu qua lớp lá vào phía trong bánh, trong trường hợp này, bánh có thể bị lên men chua cục bộ nhất là ở phần góc bánh bị ảnh hưởng nhiều nhất do bị va chạm nên dễ bị rách lá. Phần bánh bị chua sẽ không còn mùi vị thơm ngon của bánh chưng bình thường nữa nên cần phải cắt bỏ, tuy nhiên nếu ăn cũng không bị nhiễm độc vì thực ra đây chỉ là quá trình lên men rượu rồi từ rượu biến thành axit, mà không tạo ra các độc tố gây nguy hiểm cho sức khoẻ.
Để bánh chưng Tết luôn ngon lành, chúng ta cần chú ý như sau: không nên gói bánh quá chặt tay, bánh sẽ dễ bị lại gạo, bánh cứng, ăn không ngon. Cũng không nên gói quá lỏng tay vì bánh sẽ quá mềm và dễ bị mốc. Nên luộc kỹ cho bánh chín đều và "rền". Sau khi luộc chín, dỡ bánh ra một chậu nước sạch, tốt nhất là dùng một chậu nước đã đun sôi, để nguội vừa ấm tay và rửa từng cái bánh cho hết nhớt trên bề mặt lá bên ngoài bánh.

Xếp bánh trên sàn gỗ có lót một tấm vải ép cho thoát nước. Mỗi cái bánh, được gói lại bằng giấy báo và xếp vuông vắn trên bàn.  Bánh được làm như vậy sẽ bảo quản được lâu hơn, ít bị mốc hơn. Nếu cần lưu trữ bánh lâu, tốt nhất là bảo quản bánh chưng trong ngăn mát của tủ lạnh.  Trong quá trình bảo quản, cần thường xuyên kiểm tra bánh. Nếu thấy có hiện tượng bánh bị mốc cần xử lý ngay bằng cách hơ bánh trên lửa của bếp gas hoặc luộc lại.
Mỗi lần ăn nên làm nóng bánh chưng bằng lò vi sóng hoặc hấp lại. Nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu hoặc mỡ) vào khẩu phần ăn trong dịp Tết là không có lợi cho sức khoẻ nhất là đối với người bị bệnh béo phì hoặc bị bệnh tim mạch.
Không ăn các loại mứt, hạt bị mốc, ỉu
Ra Tết nhiều gia đình vẫn còn bánh mứt, kẹo  và các loại hạt nhâm nhi như hạt dưa, hướng dương, lạc... các loại hạt này rất dễ bị mốc trong quá trình bảo quản. Khi các loại hạt bị mốc sẽ nhiễm rất nhiều độc tố vi nấm mà điển hình là chất độc aflatoxin, đây là chất có thể gây ung thư cho người bị nhiễm. Vì thế, trong dịp Tết và sau Tết, cần chú ý các loại thực phẩm này. Cụ thể, các loại hạt như hướng dương, lạc, bí... khi nhận thấy dấu hiệu bị mốc cần vứt bỏ ngay. Các loại hạt dùng trong dịp Tết chỉ dùng nhâm nhi làm thú vui.
Không phải là món ăn có nhiều dinh dưỡng, nhưng các loại hạt này lại là nguy cơ đưa vào cơ thể độc tố aflatoxin gây ung thư. Trong khi đó, bằng mắt thường không thể phát hiện mức độ nhiễm độc của các loại hạt do đó tốt nhất nên loại bỏ các sản phẩm hạt đã có dấu hiệu bị mốc và tuyệt đối không được ăn.
Bên cạnh đó, các loại mứt như mứt bí, gừng... cũng không nên ăn khi có dấu hiệu bị mốc. Thông thường trên bề mặt miếng mứt có lớp đường kính dày vừa  tạo vị ngọt cho sản phẩm vừa có khả năng ngăn cản nấm mốc. Tuy nhiên, nếu mứt Tết được làm bằng đường hóa học sẽ không có khả năng kìm hãm nấm mốc, mặc dù vẫn có vị ngọt như bình thường. Nấm mốc thường dễ phát triển trong các loại mứt vì các miếng mứt thường được thái thành sợi, miếng nhỏ, mỏng nên khả năng bị nấm mốc rất cao.
                                                                                                                                         Theo Bee.net.vn